“Chìa khóa” mỞ rộng...bầu trời (bài 1)
Thứ ba, 19/05/2015 | 15:56 GMT+7
 
“Chìa khóa” mở rộng...bầu trời (bài 1)
QĐND - Chủ nhật, 10/05/2015 | 10:12 GMT+7

QĐND Online – Trong nhiều năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2010-2015, Công ty Trực thăng miền Bắc (Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Bộ Quốc phòng) đã thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự-quốc phòng, đồng thời sản xuất kinh doanh ngày càng hiệu quả. Để có những chuyến bay chuyên cơ, bay tìm kiếm cứu nạn, hay những chuyến bay xuyên quốc gia an toàn, hiệu quả, Công ty đã kiên trì trau rèn nên “chiếc chìa khóa” để mở rộng...bầu trời...

Bài 1: Xây dựng nguồn lực chất lượng cao

Ngược thời gian 5 năm về trước, trong Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ Công ty trực thăng miền Bắc đã xác định, cần tích cực bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho cán bộ; huấn luyện chuyển loại cho phi công và nhân viên kỹ thuật trên tất cả các loại máy bay có trong biên chế.

Sau 5 năm, bằng nhiều biện pháp cụ thể, sát thực tế, Công ty đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2010-2015, như: Thành lập Đội bay 2; huấn luyện, đào tạo được 5 tổ bay và đội ngũ cán bộ nhân viên kỹ thuật khai thác có hiệu quả dòng máy bay mới và hiện đại của châu Âu-máy bay EC…

 
Máy bay EC-155B1 của Công ty Trực thăng miền Bắc huấn luyện bay cấp cứu y tế, hạ cánh trên tòa nhà cao tầng.

Đại tá, phi công cấp 1 Vũ Thành Cung, Giám đốc Công ty Trực thăng miền Bắc chia sẻ: Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng bảo đảm cho Công ty thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ như bay chuyên cơ, tìm kiếm cứu nạn...; đồng thời sẽ tạo ra thương hiệu, uy tín cho Công ty trên lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là khi các đối tác có những yêu cầu hết sức khắt khe.

Trước đây, nguồn nhân lực phi công của Công ty Trực thăng miền Bắc được điều động chủ yếu từ các đơn vị Không quân, đều là các đồng chí có giờ bay tích lũy cao, giàu kinh nghiệm bay, hoạt động thuần thục trong các điều kiện thời tiết và trên nhiều loại địa hình. Tuy nhiên, chọn phi công có tuổi đời, tuổi nghề cao cũng đồng nghĩa với “quỹ tuổi bay” còn lại của anh em ngắn. Bởi thế, chiến lược tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực bay ở Công ty Trực thăng miền Bắc trong vài năm trở lại đây đã được điều chỉnh hợp lý để phù hợp với tình hình thực tế.

“Hiện nay, Công ty chủ yếu tuyển chọn các phi công vừa tốt nghiệp Học viện Phòng không-Không quân (PK-KQ) trên dòng máy bay IAK-52, sau đó huấn luyện chuyển loại trên dòng máy bay Mi (do Nga sản xuất), tiếp đến là trên máy bay EC (do châu Âu sản xuất)”, Đại tá, phi công cấp 1 Đỗ Xuân Hòa, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công ty Trực thăng miền Bắc cho biết.

Để nâng cao chất lượng phi công ngay từ “đầu vào”, Công ty chỉ tuyển chọn các phi công tốt nghiệp từ loại khá trở lên.

Máy bay của Công ty Trực thăng miền Bắc đổ quân trong diễn tập của Binh đoàn 18 (tức Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Bộ Quốc phòng), năm 2014.

“Phi công quân sự, tiêu chuẩn quốc tế”, đây là cụm từ phần nào phản ánh được chất lượng phi công cũng như tính đặc thù trong đào tạo nguồn lực phi công ở Công ty Trực thăng miền Bắc. Trước hết, công tác đào tạo phi công của Công ty luôn tuân thủ nghiêm Giáo trình huấn luyện bay, Điều lệ bay của Không quân nhân dân Việt Nam và giáo trình huấn luyện của nhà sản xuất máy bay. Tuy nhiên, trong hoạt động sản xuất kinh doanh (với các loại hình chủ yếu như bay MIA-Chương trình tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh; bay phục vụ thăm dò khai thác dầu khí; bay cấp cứu; bay du lịch), Công ty phải chấp hành đúng quy chế hoạt động của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam. Bởi thế, để có thể bay thương mại, các phi công của Công ty Trực thăng miền Bắc phải được cấp chứng chỉ hành nghề theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Để đào tạo một phi công sau khi đã tốt nghiệp về Công ty Trực thăng miền Bắc, đủ điều kiện được cấp chứng chỉ của ICAO phải cần quỹ thời gian từ 5 đến 7 năm, thậm chí là 10 năm. Trong quãng thời gian đó, cùng với huấn luyện bay trong nước, các phi công còn được đưa sang đào tạo tại Nga hoặc Pháp. Chứng chỉ sẽ chỉ được trao cho phi công sau khi đã “xuất hiện” yếu tố cần là có 1.000 giờ bay tích lũy.

Một trong những đối tượng mà Công ty Trực thăng miền Bắc quan tâm đào tạo tiếp theo, là đội ngũ cán bộ, nhân viên KTHK, bởi đây là lực lượng phải làm chủ và khai thác các loại máy bay hiện đại đang có trong biên chế của Công ty; đồng thời là những người trực tiếp góp phần bảo đảm cho những chuyến bay an toàn, hiệu quả. Với đặc điểm đó nên tiêu chí trong tuyển chọn cán bộ KTHK được Công ty đặt ra rất rõ ràng: Ưu tiên tuyển chọn kỹ sư hàng không tốt nghiệp Học viện PK-KQ. Để nâng cao trình độ sử dụng máy bay, phương tiện hiện có đồng thời “đi tắt, đón đầu” các dòng trực thăng sẽ được đưa vào biên chế của Công ty, đội ngũ cán bộ KTHK thường xuyên được huấn luyện bổ sung, huấn luyện chuyển loại, đào tạo các lớp ngắn hạn, dài hạn ở trong nước và nước ngoài.

Cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Công ty trực thăng miền Bắc nạp dầu và làm công tác chuẩn bị kỹ thuật trước khi bay.

Đại tá Đỗ Xuân Hòa “bật mí” thêm: Đảng ủy-Ban giám đốc Công ty đang có chủ trương tuyển chọn kỹ sư hàng không tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật quân sự và Đại học Bách khoa.

Một trong những điểm đặc thù khác của Công ty trong xây dựng nguồn nhân lực là yêu cầu về ngoại ngữ đối với một số thành phần được đặt ra rất cao, trước hết là đối với phi công và tiếp đến là cán bộ, nhân viên KTHK. Bởi thế, một phi công hay kỹ sư được đánh giá là “cứng” cũng đồng nghĩa với trình độ tiếng Anh của họ phải đạt cấp độ 4. Công ty đòi hỏi cao về trình độ tiếng Anh là bởi để làm chủ được trang thiết bị trên máy bay, đọc được tài liệu hướng dẫn sử dụng máy bay và giao tiếp tốt với khách hàng nước ngoài, đòi hỏi phi công, cán bộ kỹ thuật phải thông thạo tiếng Anh. Ngoài phi công và nhân viên kỹ thuật, đa số cán bộ, nhân viên đều được Công ty quan tâm huấn luyện nâng cao trình độ ngoại ngữ như: Phòng Thương mại, Tham mưu-Kế hoạch, Huấn luyện, Bảo đảm chất lượng, Trung tâm Điều hành bay, Đội an ninh, vận chuyển...

Nhờ có chủ trương đúng về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đến nay Công ty Trực thăng miền Bắc đã có trên 90% cán bộ quản lý, phi công, cán bộ kỹ thuật có trình độ đạị học; hàng chục tổ bay, tổ kỹ thuật có thể vững vàng tác nghiệp trong các điều kiện, nhiệm vụ phức tạp.

Bài, ảnh: HOÀNG HÀ – VĂN TRUNG

Bài sắp xuất bản:

Bài 2: Lấy huấn luyện bay làm cơ bản

Lời bình
Gửi phản hồi
Email bạn vừa nhập không hợp lệ
Trường này không được bỏ trống!!
Tiêu đề phản hồi không được bỏ trống!!
 (*)
Nội dung lời bình không được để trống
 (*)
  CAPTCHA Image   Reload Image Mã xác thực chưa đúng